THÔNG TIN CÁC DIỄN GIẢ

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam (nhiệm kỳ 2022–2027)
Chi hội trưởng Chi hội Khoa học Đất và Quản lý Đất đai Đồng bằng sông Cửu Long
GS.TS.NGND Võ Quang Minh (sinh năm 1962) là một trong những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực Khoa học Đất tại Việt Nam. Ông hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam nhiệm kỳ 2022–2027, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Khoa học Đất và Quản lý Đất đai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học kể từ năm 1984, GS. Minh được phong học hàm Phó Giáo sư năm 2010, Giáo sư năm 2018, và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (2012) và Nhà giáo Nhân dân (2019) – những ghi nhận cao quý cho những cống hiến bền bỉ và xuất sắc trong giáo dục và nghiên cứu. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều công bố khoa học trong nước và quốc tế, bao gồm các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín. Đồng thời, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, cấp tỉnh và quốc tế, đặc biệt tập trung vào các vấn đề về đất đai, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyên môn của GS. Minh bao gồm: khoa học đất, địa thống kê, GIS và viễn thám, quản lý tài nguyên và phát triển bền vững. Ông đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ địa không gian trong việc đánh giá độ phì đất, phát hiện dịch hại và mô phỏng tác động của biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh công tác chuyên môn, GS. Minh cũng là người kết nối mạng lưới khoa học đất xuyên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia, thúc đẩy hợp tác chuyên môn giữa các viện, trường và tổ chức nghiên cứu tại ba miền Bắc – Trung – Nam.

ThS. Phạm Hồng Thắng
Phó Giám đốc, Trung tâm Dữ liệu và thông tin đất đai - Cục Quản lý đất đai - Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Với nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt với đề tài "Giải pháp công nghệ nền tảng tích hợp - quản trị, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính trong bối cảnh mới". Thấu hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thống nhất và đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số, Thạc sỹ Thắng tập trung vào việc nghiên cứu và triển khai nền tảng Quản lý Dữ liệu Thông minh (Intelligent Data Management). Giải pháp này không chỉ hướng đến việc tích hợp và đồng bộ hóa dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống hồ sơ địa chính địa phương theo thời gian thực, mà còn chú trọng đến quản trị và nâng cao chất lượng dữ liệu thông qua các quy trình tự động hóa và chuẩn hóa. Điểm nổi bật trong nghiên cứu của ông là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm các tác tử AI thông minh có khả năng phát hiện bất thường trong dữ liệu và trợ lý ảo/chatbot chuyên ngành, giúp cán bộ nghiệp vụ tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc và độ chính xác trong quản lý hồ sơ địa chính, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương hai cấp và sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị định 57/NĐ-CP.

PGS.TS. Trần Trọng Phương
Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
PGS.TS. Trần Trọng Phương là Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ông có hơn 28 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy các lĩnh vực: Quản lý đất đai và quy hoạch sử dụng đất; Công nghệ 3S (GNSS, GIS, RS) trong quản lý tài nguyên; Phát triển quỹ đất, đô thị hoá, nông nghiệp đô thị; Sử dụng đất và biến đổi khí hậu. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 120 công bố khoa học, trong đó trên 25 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SCI, ISI/SCOPUS. Ngoài ra, PGS Phương có 13 bài trình bày tại các Hội thảo Quốc tế. Ông đã chủ trì biên soạn 6 sách chuyên khảo, giáo trình, đã và đang chủ trì trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu cấp Quốc gia và Quốc tế, bao gồm các dự án hợp tác với các tổ chức như World Bank, JICA. PGS.TS. Trần Trọng Phương là thành viên tổ biên tập Luật Đất đai 2024 và cũng là chuyên gia tư vấn cho nhiều chương trình phát triển bền vững liên quan đến nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, quản trị tài nguyên, đo đạc bản đồ và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Với sự kết hợp giữa nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm thực tiễn, ông là một trong những nhà khoa học tiên phong thúc đẩy việc áp dụng khoa học vào hoạch định chính sách, cơ chế giải pháp trong công tác quản lý, quy hoạch đất đai, sử dụng đất và phát triển địa phương bền vững tại Việt Nam.

GS.TS. Huỳnh Văn Chương
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo
GS.TS. Huỳnh Văn Chương là Giáo sư ngành Quản lý đất đai, được đào tạo tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế và đã có quá trình tu nghiệp và nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học Humboldt - Berlin, Cộng hòa liên bang Đức. Đối với chuyên ngành của mình, GS. Chương đã có 26 năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; có nhiều đóng góp trong đào tạo và phát triển ngành Quản lý đất đai như tiên phong trong việc ứng dụng GIS và viễn thám, phân tích đa tiêu chí vào lĩnh vực này. Ông đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn hơn 60 học viên cao học, 7 nghiên cứu sinh, xuất bản gần 140 bài báo khoa học, biên soạn 07 giáo trình, sách chuyên khảo. Với những cống hiến của mình, GS. Chương đã được trở thành Phó giáo sư năm 2012, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (2021) và bổ nhiệm Giáo sư ngành Quản lý đất đai vào năm 2024. Đối với lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục, với kinh nghiệm trải qua nhiều vị trí công tác tại Đại học Huế (từ Trưởng khoa đến Phó Hiệu trưởng, Phó Giám đốc Đại học phụ trách đào tạo, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, công tác sinh viên, rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế) và là một Kiểm định viên gần 8 năm, GS. Chương đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. GS. Chương đã tham gia 12 đoàn đánh giá ngoài và đã từng là Trưởng đoàn. Trên cương vị Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, GS. Chương đã trực tiếp chỉ đạo việc tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến KĐCLGD như Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định về giám sát các tổ chức kiểm định, Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT về công khai trong các cơ sở giáo dục, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; Thông tư quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (dự kiến ban hành năm 2025); tổ chức khảo sát, kiểm tra công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng tại các tổ chức kiểm định và các cơ sở đào tạo. GS. Chương cũng là Chủ tịch Hội đồng sát hạch Kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm năm 2023 và 2024.